Định luật Parkinson ban đầu nói về quản lý thời gian, nôm na là chúng ta được giao một công việc thì dù thời gian có dài rộng đến đâu chúng ta cũng sẽ dùng hết thời gian được cho đó. Thông thường thì 90% công việc hoàn thành trong 10% thời gian đầu và 10% còn lại lê lết đến những ngày cuối cùng. Tâm lý chúng ta sẽ có xu hướng trì hoãn, nới rộng thời gian cho đến hết giới hạn được cho. Những người làm quản lý dự án hoặc sếp quản lý công việc của nhân viên nên lưu ý cái này.
Sau đó người ta nhận ra định luật này không chỉ áp dụng với thời gian mà với nhiều lĩnh vực khác ví dụ tài chính, chúng ta cũng có xu hướng nâng chi tiêu lên cùng với thu nhập, lương 5 triệu vẫn sống được mà 10 triệu vẫn tiêu hết.
Khi dọn dẹp nhà cửa thì mình thấy nó đúng cả với không gian, nhà có bao nhiêu khoảng trống chúng ta cũng sẽ có xu hướng bày ra bằng hết. Đổi sang nhà to hơn nữa cũng vẫn thấy chật, đồ đạc ở đâu lại nô nức xuất hiện để lấp đầy không gian.
Vậy rút ra được gì từ điều này? Nghĩ ngược lại 1 chút, có lẽ chúng ta luôn tự biết cách điều tiết, sắp xếp nguồn lực, dù với không gian nhỏ hẳn cũng vẫn sắp xếp được hợp lý đồ theo nhiều cách, không chỉ là nhồi nhét mà chỉ là sắp xếp lại. Tiền thì tiêu theo cái mình cần hơn là cái mình muốn và thời gian đặt cho việc gì thì cũng không nên để thong thả quá. Mình nghĩ giới hạn này cũng là 1 loại Giới trong đời sống thường nhật. Có Giới mới có Định rồi từ Định mới có Tuệ rồi lại từ Tuệ mà hiểu thêm về giới, thực hành giới sâu sắc hơn… Một vòng tròn tuần tự cứ xoay như vậy.
Lẩm nhẩm cuối năm nhân dịp đầu óc thông suốt đi dọn nhà.
15.01.24