Gần đây mình có đọc cuốn sách The talent code – Mật mã tài năng nói về việc luyện tập sâu – deliberate practice. Đây là một cuốn sách khá thú vị. Nếu trong các cuốn sách về học cách học hay về não bộ hay đề cập việc luyện tập, lặp lại càng nhiều thì kết nối thần kinh càng mạnh thì cuốn sách này nói rõ hơn những kết nối này hình thành như thế nào. Điều thú vị nhất là mình thường nghĩ càng làm nhiều thì kiểu các tế bào thần kinh sẽ kết nối với nhau càng mạnh và chúng ta càng giỏi. Nhưng thực tế không phải như vậy, mấu chốt ở đây là một chất tên là myelin. Khi chúng ta luyện tập một kỹ năng, lặp lại một hành động (cả xấu cả tốt) thì chất myelin sẽ bao bọc lấy dây thần kinh được kích hoạt, cách điện và biến dây thành kinh đó trở thành một đường cao tốc và tín hiệu truyền đi sẽ nhanh hơn nhiều. Đó là sự giải thích cho việc thực hành sâu và nhiều một hành động sẽ giúp tạo ra kỹ năng hay lặp đi lặp lại một hành vi xấu cũng sẽ tạo ra một thói quen xấu.
Trong các nguyên tắc thực hành sâu thì không phải cứ làm đi làm lại thứ mình đã quen, đã biết càng nhiều càng tốt mà chúng ta phải chiến đấu ở 1 nơi gọi là rìa tới hạn khả năng của mình. Chỉ thực hành ở rìa tới hạn này thì chúng ta mới mở rộng được năng lực.
Nhận biết điểm rìa tới hạn này ở chỗ nào?
Đó là khi chúng ta phạm sai lầm nhưng có thể tìm cách khắc phục sửa chữa được, ví dụ tập đàn, tập đánh bóng, thường xuyên đánh giá khắc phục lỗi sai nhỏ dần dần (reflection) chính là ở rìa tới hạn. Do đó khi làm những thứ quá dễ trong khả năng không thể đem lại sự thỏa mãn cũng như khó tiến bộ. Điều này cũng phù hợp với rất nhiều lý thuyết khác như: Flow (dòng chảy- trạng thái phiêu khi tập trung cao độ) và thậm chí là trong Hành trình anh hùng – Hero’s journey mình cũng hay đề cập đến, khi người anh hùng bước chân từ Known sang Unknown world để bắt đầu hành trình thực sự. Chỉ có bước ra vùng Unknown thì người anh hùng mới thu thập được kỹ năng mới, nhặt được đồ ngon để trở nên xịn hơn.
Mình có một thực hành như thế này, bất kể khi nào mình định làm một điều gì đó nhưng cảm thấy sợ, tất nhiên sợ nhẹ nhẹ kiểu nói thế này mọi người sẽ nghĩ sao? có nên hỏi không?… thì khi những câu hỏi, lưỡng lự này xuất hiện mình sẽ cố gắng làm điều đó vì nhận ra ranh giới của mình ở chỗ nào. Growth zone luôn nằm ngoài comfort zone. Và nỗi sợ cho chúng ta biết ranh giới của 2 zone ấy. Có rất nhiều kiểu sợ khác và không phải lúc nào chúng ta cũng phải làm hết những thứ mình sợ. Sợ là 1 bản năng bảo vệ chúng ta khỏi tổn thương nhưng như 1 người mẹ đôi khi bao bọc quá cũng sẽ bỏ qua những cơ hội phát triển của con mình.
Hầu hết kết quả của việc bước qua những nỗi sợ nhẹ nhẹ đó rất tuyệt vời, đầu tiên là nó giúp mình thấy rằng có nhiều việc không đáng sợ như thế, mọi người cũng không nghĩ đến mình nhiều như mình tưởng đâu. Thứ hai là vì bước ra khỏi vùng an toàn, chúng ta gặp được rất nhiều thứ mới, nhờ dám hỏi mà được hồi đáp những điều chưa từng nghĩ đến, nhờ va chạm mới biết được mình như thế nào. Muốn nhìn thấy mình thì cần va chạm với thế giới, quan sát chính mình trong quá trình tương tác với thế giới. Muốn biết mình, hiểu mình thì càng nên va chạm nhiều hơn mới có đủ chất liệu để quan sát.
Chiến thôi các bạn :D.