Hôm nay tiếp tục lười nên nhờ web tạo số ngẫu nhiên từ 1 đến 21, tình cờ thì vào số 18 Shadow work mà mình nhắc đến hôm qua. Hôm nay là trời bảo =)) thì lại viết. Cái mục lục mình list hôm trước cơ bản đều là những thứ hiện lên trong đầu mình trong một phút mốt nên cũng hơi… bồng bột vì có những chủ đề mà nếu viết về nó cần nhiều can đảm.
Shadow work là một thực hành của mình cách đây khoảng nửa năm, lúc đó mình có học 1 khóa học về Tính nữ, trong đó bạn giảng viên có nhận xét 1 số vấn đề của mình thì ngay lúc đó mình ngồi phân tích cặn kẽ cho bạn ý nguyên nhân của những điều ấy là gì, bắt nguồn từ đâu biểu hiện là gì vv.. cơ thể mình lúc đó ở trạng thái đông cứng ấy. Mặc dù mình nói rất hăng nhưng mình biết cảm giác lúc đó của mình là sợ. Bạn ấy mới hỏi mình là chị thử về đọc Spiritual bypassing nhé. Mình cũng về đọc và nhận ra mình ở đó khá lâu rồi.
Nói nôm na đơn giản thì Spiritual bypassing là thuật ngữ do nhà tâm lý học John Welwood đưa ra về việc có nhiều người dùng các yếu tố tâm linh để che đậy vấn đề của bản thân. Ví dụ như khi gặp chuyện gì đó không như ý, thay vì nhìn vấn đề một cách khách quan thì sẽ tự xoa dịu bản thân: đây là bài học của linh hồn, vũ trụ đưa bài học cho mình.. đôi khi nhầm với tư duy tích cực. Một trong những người hướng dẫn của mình đã từng dạ rằng: “Việc luôn chọn để nhìn mặt tích cực nhằm lờ đi hoặc che đậy mặt tiêu cực là một hành động lẩn tránh tự lừa dối bản thân”. Trong 8 con đường thoát khổ – Bát chính đạo của Phật giáo thì con đường đầu tiên và quan trọng nhất: Chính kiến – Nhìn một cách đúng đắn. Trong 4 cấp tri kiến thì cấp đầu tiên là: Tri kiến như thị – nhận biết mọi thứ như nó vốn là. Nói dông dài mở bài vậy, tóm lại trong những phần mình đọc về spiritual bypassing thì có nhắc đến Shadow work.
Vậy Shadow work là gì?
Dẫn tí kiến thức để nghe cho có vẻ nguy hiểm:
Trích dẫn:
“Trong lĩnh vực tâm lý học, nhà tâm lý học nổi tiếng Carl Jung đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về chủ đề “Shadow Self” (Góc tối tâm hồn, góc tối của bản thân, phần bóng tối trong bạn). Ông đã đào sâu nghiên cứu vấn đề này đi từ những tài liệu, kiến thức cổ xưa, những thánh thư tâm linh với mục đích không chỉ điều trị tâm trí con người mà còn muốn chạm đến phần sâu hơn đó là tâm hồn bên trong.
Jung tạo ra một mô hình có tên Archetypes, một khái niệm mà ông tin rằng “sự vô thức của chúng ta” đã bị phân mảng hoặc tái cấu trục thành những “cái tôi” khác nhau để trải nghiệm những điều khác nhau trong cuộc số. Hai trong số các Archetypes của Jung đó là Persona và Shadow Self.
Sự ra đời của Shadow-self
Vậy Persona và Shadow Self là gì?
Persona – là cách mà chúng ta muốn được/ao ước được nhìn nhận bởi thế giới bên ngoài muốn được và làm thế nào chúng tôi muốn được nhìn thấy bởi thế giới. Từ “persona” có nguồn gốc từ một từ Latin có nghĩa đen là “mặt nạ”, tuy nhiên trong trường hợp này, từ này được dùng với hàm ý ẩn dụ, đại diện cho tất cả các “mặt nạ xã hội” (Social Mask) khác nhau mà chúng ta đeo trong các nhóm người và tình huống khác nhau.
Còn Shadow Self là một nguyên mẫu được hình thành nên bởi một phần của “vô thức” và bao gồm những ý tưởng: bị xua đuổi, bản năng, sự bốc đồng, điểm yếu, ham muốn, sự kỳ thị và những nỗi sợ hãi đáng xấu hổ. Nguyên mẫu này thường được miêu tả như là mặt tối của tâm hồn, đại diện cho sự hoang dã, hỗn loạn và không rõ ràng. Jung tin rằng những khuynh hướng tiềm ẩn này luôn hiện diện trong tất cả chúng ta, trong nhiều trường hợp tạo thành một nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ.
Link full: https://innermostselves.wordpress.com/…/om-lay-phan…/
Kiến thức tâm lý học của mình không nhiều và cũng không thực sự chuẩn như các bạn học bài bản về tâm lý học nên mình sẽ chỉ chia sẻ những trải nghiệm và góc nhìn của bản thân. Phần này gọi là disclaimer – miễn trừ trách nhiệm =)).
Hiểu một cách đơn giản – shadow đúng như nghĩa của nó là phần tối tăm nhất mà chúng ta đẩy hết vào đó những ký ức, cảm xúc không muốn nhớ lại và luôn có xu hướng né tránh ví dụ khi mình xem phim mình rất sợ các trường hợp nhân vật chính bị hiểu lầm, mình sẽ đứng dậy ra chỗ khác luôn hoặc mình thích đọc những truyện ngôn tình, xem phim mà nhân vật nam nữ chính đều vừa đẹp vừa giàu chứ ko thích motif Hoàng tử Lọ Lem. Đôi khi chúng ta cho rằng đấy là sở thích nhưng nếu nhìn cẩn thận thì nó sẽ nói lên mong muốn rất cá nhân, những điều chúng ta thiếu hụt và không muốn đối mặt trong cuộc sống. Khi quan sát những thói quen, phản ứng của bản thân hẳn là mỗi người đều có thể nhận ra nhiều thứ chúng ta né tránh, có người thì tránh chủ đề gia đình, người thì tránh chủ đề về ngoại hình, về nghị lực…. Rất nhiều thói quen, sự nghiện ngập của chúng ta bắt nguồn từ phần tăm tối này…
Shadow work là làm gì?
Là nhìn vào đó và chấp nhận phần tăm tối ấy của bản thân, ôm ấp lấy nó. Khi mọi người nói về yêu bản thân, mình cũng đã từng vật vã vì không biết yêu bản thân thực sự là như thế nào. Sau khi làm Shadow work thì mình nhận thấy điều đầu tiên là cần phải đi từ Thừa nhận bản thân trước: “Tự thấy mình giả dối và vô năng vl cũng là một loại năng lực”- Mentor said. Sau khi thừa nhận thì mới đến chấp nhận bản thân mình, rồi từ đó mới thực hành yêu thương bản thân được. Đây là quy trình với những người nhiều tổn thương, sang chấn bên trong chứ không phải với các bạn lúc nào cũng tươi vui yêu đời phơi phới, các bạn ý thì ở đích rồi, bỏ qua, nhưng thực sự số đó vô cùng, vô cùng ít. Nên điều đầu tiên tất cả những người hướng dẫn của mình đều yêu cầu mình: phải rất thẳng và thật với bản thân. Tâm trí có khả năng lươn lẹo rất kinh khủng nên nếu không chậm lại quan sát thường thì rất khó nhận ra.
Để tìm hiểu về Shadow work và cách làm trên Internet cũng có khá nhiều, mọi người có thể tự tham khảo xem phương pháp nào phù hợp với mình. Còn mình thì chia sẽ là mình làm thế này:
– Chọn 1 số câu hỏi để trả lời trong một thời gian không quá ngắn, có 1 số câu trả lời hiện lên ngay lập tức nhưng sẽ có 1 số câu hỏi cần thời gian. Một số câu hỏi mình đã dùng như sau:
– Bạn nghiện điều gì? Nói một cách khác là có điều gì khiến bạn làm mà không ngừng lại được? Ở dạng nhẹ nhàng có thể là những thói quen xấu ví dụ: lướt web, lướt FB, shopping ko vì thiếu đồ… ví dụ mọi người hay lướt web không phải vì cần thông tin mà là cần một nơi trú ẩn tạm thời, tránh việc phải đối mặt với cuộc đời, với những thứ cần làm trước mắt dần thì thành thói quen nếu không cầm lên thì không chịu được.
– Bạn ghét ai/ kiểu người như thế nào? Câu hỏi này không phải để tìm ra bạn ghét ai mà là để làm rõ hệ giá trị của bạn đang vướng mắc ở điều gì. Đôi khi không phải bạn ghét một người vì bản thân người đó mà là do họ gợi lại một quãng thời gian bạn muốn quên đi, một version mà bạn chối bỏ. Hoặc bạn ghét ai đó chỉ vì bạn thấy rất ghê tớm nếu mình mà làm như vậy. Ví dụ chúng ta có thể ghét 1 người vì màu áo họ mặc, ô hay, liên quan gì đến bạn đâu? Mà bạn thấy ghét hình ảnh mình nếu mặc cái áo đó.
– Bạn sợ điều gì nhất? Câu hỏi này chắc chắn sẽ lấy đi nhiều thời gian và giấy mực. Chúng ta thường sợ phổ biến nhất là sợ bị phán xét, sợ bị bỏ rơi, sợ chết, sợ bị ghét bỏ…. sợ không được yêu thương. Nỗi sợ mình thấy hay gặp nhất là sợ không được ghi nhận, không thấy bản thân mình tồn tại, sợ mình không có giá trị nên sinh ra nỗi sợ bị phán xét. Điều này dẫn đến rất rất nhiều rào cản về niềm tin, về thói quen tựu chung lại chính là Self-Identity mà mình đã nhắc tới vào post trước đó.
… đại khái những câu hỏi thế này tìm được rất nhiều trên Pinterest, mọi người tự tìm nhé.
Việc xử lý nỗi sợ không phải sở trường của mình so với nhận diện nỗi sợ, nhận diện dễ hơn nhiều vì có nhiều công cụ nhưng vượt qua nỗi sợ thực sự cần nhiều sức mạnh từ bên trong và cũng cần có nhiều yêu thương để làm điểm tựa.
Cách mình làm shadow work là dùng Google Keep cho tiện lưu trữ, mình trả lời những câu hỏi lớn bên trên và chú ý quan sát cảm xúc của mình nhiều nhất có thể, bất cứ điều gì làm mình bất an mình sẽ viết lại một cách thẳng thắn nhất chuyện gì đang xảy ra, mình cảm thấy thế nào và có thể nguyên nhân bên trong nào khiến mình có cảm giác như vậy, mình cần điều gì… Sau khi làm một thời gian mình thấy xung đột bên trong giảm đi khá nhiều. Khi thừa nhận mình cũng giả dối, tham lam và xấu tính chẳng hạn, thì chúng ta kết luận dựa trên sự kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể chứ tránh gắn nó vào thành đặc trưng của mình. Có thời điểm chúng ta sẽ ích kỷ hoặc độc ác như Satan nhưng vào lúc khác từ bi không khác gì Đức Mẹ. Tách biệt để tránh việc bi quan hóa khi nhìn thấy những thứ xấu xa tệ hại của mình. Shadow work chưa bao giờ là một việc dễ dàng, phẫu thuật tâm luôn là một việc rất đau đớn nhưng xứng đáng. Và cũng vẫn là một hành trình dài để chấp nhận và yêu thương bản thân.
Mình viết xong từ chiều nhưng chưa up. Sau một cuộc gặp bất ngờ thì mình hiểu được vì sao lại phải có cuộc gặp ấy, nó điền nốt phần thiếu cho bài viết này về đáp án mà mình đã quên.
Sở dĩ có sợ hãi là vì còn đối đãi nhị nguyên, đối lập với có là không và cách để thoát hẳn khỏi nỗi sợ đó là triệt tiêu nguyên nhân tột cùng của sợ – bản ngã. Và lúc đó cũng là giải thoát!
ĐỊNH LUẬT PARKINSON MỞ RỘNG
Định luật Parkinson ban đầu nói về quản lý thời gian, nôm na là chúng ta được giao một công việc thì dù thời gian có dài rộng đến đâu chúng ta cũng sẽ dùng hết thời gian được...