Lúc đầu tính viết nốt mấy bài cuối kiểu cho xong nhưng sau lại thấy chẳng để làm gì nên thôi chờ vũ trụ bảo viết gì thì viết tiếp.
Từ qua đến hôm nay có nhiều dấu hiệu liên quan đến chủ để Giving – Cho đi nên mình quyết định chọn chủ đề này.
18. CHO ĐI
Hôm qua mình nói chuyện với một đứa em về chủ đề Bố thí, mình nói rất hăng xong em bảo là chị ơi em không quen dùng từ bố thí, em gọi chung là cho đi có được không. Lúc đó mình mới định hình là từ Bố thí hóa ra với nhiều người lại hơi tiêu cực thế. Với Phật tử nói chung thì Bố thí là hai từ rất thiêng liêng, một trong những pháp tu mà ai cũng có thể thực hành được. Mình xin trích một số đoạn từ các bài giảng của Hòa Thượng Thích Thanh Từ:
“Phước từ đâu có? Làm sao có phước? Tuệ từ đâu ra? Làm sao có tuệ? Trả lời được hai câu hỏi này, chúng ta sẽ thấu suốt được đề tài giảng hôm nay. Phật tử nói đi làm phước thì có phước, nhưng động cơ để chúng ta làm phước là gì? Là lòng từ bi. Người có tâm từ bi thấy ai khổ thì giúp đỡ nên có phước. Trong kinh thường dạy do lòng từ bi nên tu hạnh bố thí.
Bố thí chia làm ba phần: bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy. Ba phần bố thí này phát xuất từ lòng từ bi.
Hiện giờ Phật tử thường bố thí phần tài, nhưng nếu không có tiền làm sao bố thí?
Phật dạy bố thí tài có hai: một là nội tài, hai là ngoại tài. Hiểu cho tường tận thì việc bố thí không bỏ sót người nào hết, ai cũng bố thí được.
Người có tiền của thấy kẻ nghèo đói, chia sớt tiền của cho họ, đó là bố thí ngoại tài. Nếu ta nghèo không có tiền của, thấy người gặp khổ nạn, chúng ta ra tay lấy sức mình giúp họ bớt khổ bớt nạn, đó là bố thí nội tài. Ví dụ Phật tử đi đường thấy một cây đinh, chúng ta lượm quăng đi để người khác không giẫm lên. Hoặc gặp mấy cụ già qua đường khó khăn, chúng ta dìu mấy cụ đi qua yên ổn, đó là bố thí nội tài.
Như vậy ở thế gian này, không ai không làm việc bố thí được, chỉ thiếu lòng từ bi mới không làm việc bố thí. Trên đường tu bước đầu chúng ta phải khởi tâm từ bi. Từ là ban vui, bi là cứu khổ. Đem vui cứu khổ cho người, cho vật gọi là tâm từ bi. Hành động bố thí bằng nội tài, ngoại tài là những hình ảnh cụ thể làm cho người bớt khổ. Muốn tự thân đầy đủ công đức, trước hết chúng ta phải có tâm từ bi mạnh mẽ”
(Trích trong “PHƯỚC TUỆ SONG TU” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )
Thầy từng nói với mình: “Từ bi cũng là một loại năng lực”, từ bi cũng cần rèn luyện, cần củng cố chứ không nên mặc định là bẩm sinh.
Mình nói với em là có rất nhiều cách cho đi, cho ai đó một nụ cười cũng là bố thí, cho ai đó một cái ôm, một lời cổ vũ cũng là bố thí. Bố thí không phải là đặt mình cao hơn người khác cho rằng mình giúp đỡ họ, mà phải cảm ơn họ vì nhờ đó mình mới có cơ hội làm việc tốt, có cơ hội tích phước đức. Nên mới nói người nhận nên cảm ơn mà người cho cũng nên cảm ơn. Trao đi có thể là một sự quan tâm, hỏi han ai đó một cách chủ động. Đôi khi trao đi là ngồi lắng nghe ai đó một cách chân thành, trao cho họ sự chân thành của mình mặc dù không cần nói chi cả. Hiểu như thế thì ai cũng có thể bố thí, ai cũng có thể cho đi.
Mình cũng trích thêm 1 đoạn
“Trong kinh kể đức Phật còn mót từng chút phước xỏ kim, huống gì chúng ta kém phước thiếu trí mà lại không biết làm các việc công đức! Ngày xưa, có một thầy Tỳ-kheo mù muốn vá y. Ngài xỏ kim để khâu mà xỏ hoài không được. Đức Phật đi ngang thấy hỏi:
– Ông làm gì đó?
– Bạch Thế Tôn, con đang xỏ kim.
– Ông xỏ được không?
– Con xỏ hoài không được.
– Đưa ta xỏ giùm cho.
Rồi đức Phật ngồi xuống xỏ kim giùm cho ngài. Các thầy Tỳ-kheo thấy chuyện xỏ kim nhỏ nhặt mà đức Thế Tôn còn làm để bòn mót từng chút phước, nên không ai dám xem thường.
Ta giúp người được việc gì thì giúp bất luận việc lớn nhỏ. Tu không phải làm việc gì cho to, cho quan trọng, mà từ việc nhỏ nhất chúng ta thấy ai cần cũng sẵn sàng giúp đỡ. Giúp cho người khỏi khó, khỏi khổ, đó là bố thí. Chúng ta bố thí trong mọi phương tiện…”
(Trích trong “TÀI SẢN KHÔNG BAO GIỜ MẤT” – Sư Ông Trúc Lâm Giảng Giải )
Trong cuốn Tư duy khác biệt của người giàu có nói đến một sổ tiết kiệm trên Thiên đường, khi có niềm vui gì thì có thể đặt cho nó một khoản tiền và viết vào sổ, khi tự tìm kiếm niềm vui thông qua việc cho đi là chúng ta đang làm cho tài khoản trên Thiên đường ngày càng trù phú hơn.
Cho đi nghe có vẻ dễ nhưng thực ra cũng là một hành trình anh hùng, cũng là bước từ comfort zone sang growth zone, vì chúng ta ngại, cũng sợ bị đánh giá về những việc chưa từng làm. Hãy cứ nhích từng bước nhỏ, từ vòng an toàn như người thân như tặng chồng con một cái ôm thật chặt, tặng bạn bè thân một sự quan tâm chân thành, hoặc đơn giản là một lời cầu nguyện. Sau đó mới mở rộng ra thêm, mở rộng đến đâu thì tùy nhu cầu của mỗi người.
Hôm nay hơi ăn gian vì toàn trích dẫn, nhưng chủ đề Cho đi thực sự rất hay, mình nghĩ sau này mình sẽ còn viết thêm vào đây.
ĐỊNH LUẬT PARKINSON MỞ RỘNG
Định luật Parkinson ban đầu nói về quản lý thời gian, nôm na là chúng ta được giao một công việc thì dù thời gian có dài rộng đến đâu chúng ta cũng sẽ dùng hết thời gian được...